Nguyên liệu thiên nhiên có giới hạn
Tại tọa đàm khoa học quốc tế “Ứng dụng mới về vật liệu tái chế” do Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng Việt Nam) và Viện Nghiên cứu xây dựng và ứng dụng Weimar - Weimar IAB (CHLB Đức) tổ chức mới đây, TS.KS Barbara Laydolph (Cộng hòa Liên bang Đức) cho biết, tại Đức đã sử dụng các phế thải xây dựng tạo ra hạt nhựa ứng dụng (hạt nhẹ) trong mọi lĩnh vực nhằm giảm thiểu việc sử dụng từ nguyên liệu thiên nhiên đang ngày một khan hiếm.
“Việc tạo ra được những nguyên liệu mới từ các hạt nhẹ đóng góp vào ngành xây dựng với mục tiêu cuối cùng là bảo vệ môi trường, giảm thiểu phế thải ra môi trường” – TS Barbara Laydolph (Cộng hòa Liên bang Đức) nhấn mạnh.
Trong bối cảnh nguyên liệu thiên nhiên có giới hạn, trên thế giới và tại Việt Nam sử dụng đất sét làm gạch trong xây dựng đang dần bị loại bỏ, tiến tới không được sử dụng. Do đó cần phải có nguyên liệu khác thay thế và nguyên liệu phế thải được tạo ra từ công nghệ sẽ thay thế cho quy trình này.
Bà Barbara Laydolph cho biết thêm, tại Đức có 3 vật liệu nhẹ là vật liệu được lấy từ thiên nhiên; vật liệu có nguồn gốc từ xử lý như đất sét; vật liệu được xử lý từ phế thải xây dựng. Tuy nhiên, bằng việc áp dụng công nghệ nguyên liệu hạt nhẹ từ các công trình, bùn thải được từ nạo vét sông hồ, đá xỉ trong quá trình khai thác đá… sẽ thay thế cho sản xuất xây dựng, ngoài ra còn nhiều lĩnh vực khác. Đây không chỉ là vấn đề của Việt Nam hay Đức mà của cả thế giới để tìm giải pháp khắc phục.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các vật liệu nhẹ có rất nhiều ứng dụng trong xây dựng, tạo ra những vật liệu cách nhiệt, gia cố nền đất… Việc tiết kiệm năng lượng, tài nguyên là cấp bách nhưng với công nghệ tiên tiến hiện cũng rất khó áp dụng bởi chi phí, cơ chế. Ngay tại Đức có điều luật được ban hành nhiều năm để thực hiện nhưng để triển khai cũng gặp rất nhiều khó khăn.